Lãi suất thấp kỷ lục, các lựa chọn đầu tư bên ngoài ngân hàng bị hạn chế có phải là công thức giúp dòng vốn quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam?
Giữa năm 2023, anh Hoàng Đức Nhâm, nhân viên văn phòng, cũng là nhà đầu tư mười năm tham gia thị trường chứng khoán, quyết định tập trung nhiều vào danh mục đầu tư cổ phiếu. “Thấy lãi suất ngân hàng xuống thấp, cùng với lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, tôi cho rằng dòng tiền sẽ quay trở lại kênh chứng khoán trong thời gian tới,” anh chia sẻ. Sau khi tất toán tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm, chị Hoàng Thị Thanh Vân dùng một phần để mua cổ phiếu. Nhân viên bán bảo hiểm 35 tuổi tại TP. HCM này nói: “Lãi suất quá thấp để tiếp tục gửi tiết kiệm.”
Quyết định của hai nhà đầu tư cá nhân đến từ một yếu tố: Lãi suất tiết kiệm thấp. Đến ngày 31.1.2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay, theo ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiếp tục có xu hướng giảm, lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/ năm so với cuối năm 2023. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 10,12% cũng từ ngày 31.1 đến 26.3.2024. Dòng tiền thông minh trên thị trường luôn chảy từ nơi có tỉ suất sinh lợi thấp sang chỗ cao. Câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư như anh Nhâm, chị Vân là mặt bằng lãi suất thấp duy trì trong bao lâu?
Về lý thuyết, tiền rẻ dùng để mô tả việc cung cấp tiền và tín dụng với lãi suất thấp, hoặc chính sách lãi suất thấp do ngân hàng trung ương hoặc chính phủ thiết lập. Khi ngân hàng trung ương giảm lãi suất chính sách, các ngân hàng thương mại sẽ thường giảm lãi suất cho vay, tạo môi trường thuận lợi cho người vay tiền với chi phí thấp. Như vậy, để tìm ra lời giải, cần xem xét vai trò của tiền rẻ trong câu chuyện thị trường hiện nay.
Năm 2022, thời kỳ tiền rẻ trên toàn cầu chấm dứt sau khi các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ trên thế giới như Mỹ, châu Âu và nhiều nền kinh tế lớn tăng lãi suất để đối phó lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 425 điểm cơ bản trong năm 2022, khiến ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tăng lãi suất hai lần, thêm 200 điểm cơ bản để bảo vệ tỉ giá đô la Mỹ/đồng. “Quan sát kỹ, bạn sẽ thấy từ năm 2015, Việt Nam chưa từng để tiền đồng mất giá quá 3%/năm, trong khi đồng tiền các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Malaysia… bị mất giá mạnh,” ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital chia sẻ trong sự kiện thường niên The year ahead 2024 (Triển vọng kinh tế 2024)của Bloomberg Businessweek Việt Nam vào ngày 14.3.2024 vừa qua.
Thị trường chứng khoán thường đi ngược chiều với lãi suất. Năm 2022 là năm chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận suy giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bên kia bán cầu, nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua nỗi đau tương tự, khi chỉ số VN-Index “bốc hơi” hơn 34% trong cùng năm, theo dữ liệu Bloomberg. “Năm 2022 tôi lỗ 20%,” anh Nhâm kể lại. “Khi có tin Mỹ tăng lãi suất, khối ngoại liên tục bán ròng, nhưng tôi không nghĩ dòng tiền bị rút nhanh như vậy.”
Lãi suất điều hành ở Việt Nam đi ngược với xu hướng toàn cầu. “Việt Nam thì đã xuất hiện tiền rẻ, nhưng thế giới vẫn đang ở kỷ nguyên tiền đắt,” ông Nguyễn Hữu Huân, trưởng bộ môn Thị trường Tài chính (đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết. Theo ông Huân, thế giới vẫn đang đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát, còn Việt Nam đang đối mặt với việc tăng trưởng thấp. Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, năm nay chính sách của Việt Nam có sự dịch chuyển, tập trung và xác định ưu tiên tăng trưởng.
“Ở Việt Nam, đây có thể là thời kỳ tiền rẻ nhất trong mười năm qua. Vấn đề là tiền rẻ nhưng người vay không thể tiếp cận được,” ông Huân nhận xét, nhấn mạnh sự khác biệt giữa dòng tiền rẻ giai đoạn năm 2021 và hiện tại. Hầu hết người đi vay hiện nay không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn tiền rẻ này. Đây cũng là bài toán mà ông Phan Đức Hiếu mô tả khi nói về điều hành chính sách. “Điều hành chính sách tiền tệ không chỉ là lãi suất, mà còn là năng lực hấp thụ vốn, khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh,” ông nói. Mục tiêu của tiền rẻ, theo ông Huân, suy cho cùng là thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này phụ thuộc vào khả năng chuyển vốn vào các lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế. “Lãi suất giảm, nhưng cần phải tăng độ thuận lợi trong tiếp cận vốn, tăng khả năng hấp thụ, thì mới là giải pháp đồng bộ,” ông Hiếu nói thêm.
“Nhưng nhà đầu tư chứng khoán không đợi kinh tế phục hồi thì họ mới mua,” ông Huân cho biết. Theo ông, chỉ cần kỳ vọng kinh tế sắp phục hồi là họ đã đổ tiền. Trên thực tế, theo dữ liệu Bloomberg, cổ phiếu của một số ngành có mức định giá cao hơn đáng kể so với định giá bình quân năm năm của họ, như bất động sản, ngân hàng, sản phẩm công nghiệp… Điều này phần nào cho thấy yếu tố tiền rẻ có thể đã đẩy mặt bằng giá cổ phiếu đi nhanh hơn so với những thay đổi về nội tại của ngành và doanh nghiệp. Báo cáo Triển vọng đầu tư 2024 của công ty chúng khoán SSI nhấn mạnh, lãi suất thấp sẽ là động lực tăng trưởng chính, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân, trong năm nay. Mặc dù tiền gửi ngân hàng vừa qua ghi nhận tiếp tục tăng, khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, trái phiếu bị đóng băng hoặc giá tăng cao như thị trường vàng. Tuy nhiên, báo cáo cho biết, dòng vốn này có thể quay lại thị trường chứng khoán trong năm nay.
Báo cáo SSI cũng cho rằng, dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân, khu vực đóng góp 92,2% khối lượng giao dịch trung bình ngày toàn thị trường năm 2023, sẽ thúc đẩy chỉ số VN-Index gia tăng. Nhà đầu tư như anh Đức Nhâm và chị Thanh Vân đang quan sát biến động lãi suất để phân bổ dòng tiền. Với chị Vân, chừng nào lãi suất chưa tăng, chị vẫn tiếp tục lựa chọn kênh đầu tư chứng khoán.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 4.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam