Tiền đang quay lại thị trường

|

Lợi nhuận của doanh nghiệp trên ba sàn tăng 26,96% trong quý IV.2024 so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhịp hồi phục vẫn lệch pha giữa các ngành.

Lợi nhuận doanh nghiệp quý cuối năm 2024 tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư trong nước quay lại tham gia thị trường, trong khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng. VN-Index tăng 2,45% kể từ đầu năm, đạt hơn 1.303 điểm tính đến ngày 25.2.2025, với động lực chính đến từ nhóm ngân hàng, chứng khoán, đầu tư công… cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường và hệ thống giao dịch mới. Thanh khoản cải thiện đáng kể, với giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE trong tháng Hai tính đến ngày 25.2 tăng 51,7% so với tháng trước. “VN-Index tiếp tục giữ vững sự ổn định, bất chấp biến động quốc tế, khi nhà đầu tư đang theo dõi diễn biến chính sách thuế quan sắp tới của tổng thống Mỹ Donald Trump,” ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc nghiên cứu chiến lược HSC cho biết.

“Sự không chắc chắn xung quanh chính sách thuế quan của Mỹ và triển vọng lãi suất tiếp tục đẩy dòng vốn ngoại rời khỏi các tài sản rủi ro hơn, bao gồm chứng khoán Đông Nam Á,” bà Sufianti, chuyên gia chiến lược cổ phiếu tại Bloomberg Intelligence cho biết. Khối ngoại bán ròng hơn 558 triệu đô la Mỹ từ đầu năm đến ngày 25.2. Tương tự, các quỹ ETF ghi nhận bán ròng 62,75 triệu đô la cùng giai đoạn. Các quỹ ETF bán mạnh bao gồm Fubon FTSE Vietnam, VanEck Vietnam và VinaCapital VN100, trong khi quỹ nội như MAFN VN30 có dấu hiệu mua ròng nhẹ, 3,04 triệu đô la.

Lợi nhuận ròng trung vị quý IV.2024 của 563 doanh nghiệp trên ba sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh tính đến ngày 25.2.2025, chiếm gần 75% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường, tăng 26,96% so với cùng kỳ, theo Bloomberg. Không tính khối ngân hàng, bảy doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng lợi nhuận ròng thị trường là Vinhomes, Vingroup, Hòa Phát, Vinamilk, FPT và GAS. Đáng chú ý, Vingroup ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 2,02 ngàn tỉ đồng trong quý IV.2024, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 64,4 tỉ đồng.

Viễn thông, truyền thông và hàng tiêu dùng không thiết yếu là ba lĩnh vực dẫn đầu tăng trưởng trong quý IV.2024. Ngành viễn thông chứng kiến lợi nhuận tăng 1.220% so với cùng kỳ, trong đó SARA Việt Nam (SRA) tăng 2.040%, phục hồi sau giai đoạn lỗ trước đó. Ngành truyền thông cũng ghi nhận mức tăng 276,6%, dẫn đầu bởi Yeah1 (YEG). Ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu cũng trở thành điểm sáng với lợi nhuận tăng 110,34%. Trong đó, tăng mạnh nhất là du lịch Thành Thành Công (VNG) và tập đoàn Khách sạn Đông Á (DAH), phù hợp với đà hồi phục của ngành du lịch và dịch vụ lưu trú trong năm 2024.

Bất động sản có dấu hiệu phục hồi khi doanh thu và lợi nhuận ròng quý IV.2024 lần lượt tăng 5,95% và 21,95% so với cùng kỳ, với Vinhomes (VHM) nằm trong tốp đầu. Doanh thu quý I.2025 của doanh nghiệp này có thể cải thiện so với nền thấp của quý I.2024, theo ông Ken Foong, chuyên gia phân tích tại Bloomberg Intelligence, nhờ bàn giao từ lượng đơn hàng tồn đọng 94,2 ngàn tỉ đồng. “Vinhomes có thể là đại diện phản ánh rõ nét nhất cho nhu cầu nhà ở dài hạn tại Việt Nam, khi doanh nghiệp này là nhà phát triển lớn nhất và sở hữu quỹ đất đủ để duy trì các dự án trong 30 năm tới,” ông Ken Foong cho biết.

Trong khi một số ngành bứt phá, năng lượng, dầu khí và bảo hiểm lại là những ngành không tránh khỏi áp lực suy giảm, do tác động từ các yếu tố toàn cầu như giá dầu giảm, cũng như các thách thức nội địa như chi phí vận hành tăng cao. Theo báo cáo EIA (cơ quan thông tin Năng lượng Hoa Kỳ), giá dầu Brent trung bình dự báo sẽ giảm xuống mức trung bình 74 đô la Mỹ/thùng năm 2025 và tiếp tục giảm xuống 66 đô la Mỹ/ thùng trong năm 2026. Các công ty năng lượng, đặc biệt những đơn vị phụ thuộc vào dầu thô hoặc khí đốt, sẽ chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm này.

Lợi nhuận ngành năng lượng Việt Nam giảm 26,6% trong quý IV.2024, với Phát triển Năng lượng Sơn Hà (SHE) giảm 40,22%. Ngành dầu khí cũng chịu tác động tương tự, với lợi nhuận ròng giảm 8,11%. Tuy nhiên, vẫn có những chênh lệch đáng kể giữa các doanh nghiệp, do khác biệt mô hình: một số công ty kinh doanh xăng dầu giảm lợi nhuận sâu, trong khi những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hóa chất, logistics và kỹ thuật tăng trưởng ấn tượng, do mức nền thấp cùng kỳ. CNG Việt Nam (CNG) giảm 60,14% và Thương mại & Vận tải Petrolimex Hà Nội (PJC) giảm 45,6%. Ở chiều ngược lại, tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí (PVC) và Xăng dầu Dầu khí Phú Yên (PPY) chứng kiến lợi nhuận tăng.

Ngành bảo hiểm cũng chứng kiến sự phân hóa tương tự, với lợi nhuận ròng giảm trung bình 12,1%, theo Bloomberg. Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) và tổng công ty CP Bảo Minh (BMI) báo lợi nhuận ròng giảm lần lượt 44,8% và 42,3% so với cùng kỳ. Ngược lại, tổng công ty CP Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng ấn tượng 188,2%, nhờ doanh thu phí nhận tái bảo hiểm tăng và chi phí bồi thường giảm. Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 27,4%, do chi phí bồi thường giảm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục hồi, đặc biệt trong mảng phi nhân thọ.

Sự phục hồi không đồng đều giữa các ngành được thể hiện rõ qua chênh lệch biên lợi nhuận gộp và mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính. Biên lợi nhuận gộp trung bình toàn thị trường quý IV.2024 tăng 21,8%, dẫn đầu là ngành dịch vụ tài chính với 51,8%. Song, nợ ròng trung bình của toàn thị trường cũng tăng mạnh 139,28%, cho thấy nhiều doanh nghiệp gia tăng đòn bẩy cho hoạt động. Ngành bán lẻ và bán buôn – hàng thiết yếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất, trung bình 274,5% so với cùng kỳ, dẫn đầu là CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC). Ngành viễn thông cũng chứng kiến nợ ròng tăng mạnh với 127,91% so với quý IV.2023.

Trên thị trường chứng khoán, dòng tiền đang dịch chuyển theo một quỹ đạo khác. Các cổ phiếu vốn hóa lớn từng dẫn dắt thị trường từ tháng 8.2024 đến đầu năm 2025, nhưng động lực đang dần thay đổi. Trong khi VN30 tăng nhẹ 1,02%, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lại tăng tốc với VNMidcap tăng 3,78% và VNSmallcap tăng 3,34% từ đầu năm đến ngày 25.2.2025. “Trong nhóm vốn hóa vừa, các cổ phiếu thuộc lĩnh vực hàng và dịch vụ công nghiệp, truyền thông và tài nguyên cơ bản có hiệu suất tốt nhất trong tháng 1.2025,” báo cáo thị trường của chứng khoán Thiên Việt cho biết.

Chính sách thuế quan mới của chính quyền Trump vẫn là một biến số quan trọng đối với thị trường. “Mức thuế thực tế mà Việt Nam phải chịu nhiều khả năng vẫn thấp hơn so với các nước khác, như Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ,” ông Tyler nói thêm. Theo chuyên gia HSC, VN-Index có thể thu hút thêm dòng vốn ngoại, nếu những yếu tố như kỳ vọng thị trường nâng hạng và triển khai hệ thống giao dịch mới tiếp tục phát huy hiệu quả. Trong bối cảnh này, đâu là những ngành có tiềm năng thu hút dòng vốn? “Tôi cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên doanh nghiệp trong những ngành đang có câu chuyện hỗ trợ, như hưởng lợi từ đầu tư công, vật liệu xây dựng, ngân hàng, bất động sản nhà ở và chứng khoán,” ông Đinh Quang Hinh, trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường tại VNDirect nói.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 3.2025, Bloomberg Businessweek Vietnam