Quỹ hưu trí tự nguyện sẽ góp phần giải quyết bài toán tài chính cho người nghỉ hưu khi Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già.
Hơn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội liên tục, bà Kim Hoài Phương, 50 tuổi, làm việc tại một doanh nghiệp hàng không quốc tế, hy vọng đó sẽ là khoản thu nhập đủ để bà về hưu vài năm tới. Ba năm trước, tuổi nghỉ hưu với nữ được điều chỉnh lên mức 58 tuổi, bà Phương phải suy tính lại kế hoạch nghỉ hưu. “Tôi dự định nghỉ hưu năm 53 tuổi, nhưng giờ phải chấp nhận làm thêm gần 10 năm nữa,” bà nói. Người phụ nữ gắn bó với công việc kế toán từ năm 23 tuổi bắt đầu tìm kiếm một kế hoạch hưu trí an toàn hơn. “Dù nghỉ hưu, có lẽ tôi sẽ kiếm công việc bán thời gian nào đó,” bà Phương chia sẻ.
Khác với bà Phương, ông Trần Quốc Thông, 41 tuổi, chuyên viên phân tích ở công ty bảo hiểm tại Canada có tham gia quỹ hưu trí tự nguyện từ khi ông định cư tại xứ sở lá phong năm 2019. Là người từng xây dựng sản phẩm quỹ hưu trí khi còn làm tại công ty bảo hiểm ở Việt Nam cách đây chín năm, ông Thông có thể yên tâm với mức bảo đảm thu nhập 80% như khi đi làm, đủ để trang trải cuộc sống lúc già.
Câu chuyện của bà Phương và ông Thông cho thấy bức tranh trái ngược giữa khả năng tiếp cận sản phẩm hưu trí của người lao động Việt Nam và các quốc gia phát triển. Tổng tài sản quỹ hưu trí tự nguyện Việt Nam, tính đến cuối năm 2023 là 858 tỉ đồng, với hơn 21 ngàn tài khoản, theo tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) và bộ Tài chính. Quy mô như vậy chiếm chưa đến 0,01% GDP. Trong khi đó, quy mô tài sản quỹ hưu trí tại các nước phát triển như Mỹ, Anh hay Thuỵ Sĩ đạt trên 100% GDP, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trưởng bộ phận nghiên cứu công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF).
Tám năm trôi qua kể từ khi chính phủ ban hành nghị định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, có 10 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện thuộc bốn công ty quỹ được thành lập. Với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, sáu trong số 18 công ty bảo hiểm nhân thọ được cấp phép triển khai sản phẩm này. Trong khi đó, để duy trì tiêu chuẩn cuộc sống như giai đoạn còn đi làm, người về hưu cần có thu nhập tương đương 80% mức trước khi nghỉ hưu. Hiện tại, một lao động nam 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc lao động nữ đóng 15 năm liên tục, khi về hưu nhận được 45% mức lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.
“Tỉ lệ hưởng lương hưu, hay còn gọi là tỉ lệ thay thế, thấp hơn nhiều so với mức khuyến nghị, do người nghỉ hưu Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn chi trả từ bảo hiểm xã hội,” ông Linh nói. Tỉ lệ này ở các nước phát triển trong khoảng 60-80%, với hơn một nửa đến từ các chương trình hưu trí tự nguyện do doanh nghiệp và người lao động đóng góp.
Để bảo đảm chất lượng cuộc sống của người dân khi về già, tổ chức Lao động quốc tế khuyến nghị xây dựng hệ thống hưu trí xã hội đa tầng. Bà Nguyễn Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) cho hay, “với tình hình lạm phát hàng năm, cùng yếu tố sức khỏe của người lao động suy giảm khi về hưu, việc phát triển quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện ở Việt Nam để bổ sung thu nhập cho người lao động là cần thiết và đúng đắn.”
Quỹ hưu trí tự nguyện thuộc trụ cột thứ ba trong hệ thống hưu trí đa trụ cột mà ngân hàng Thế giới giới thiệu năm 1994. Trong đó, trụ cột đầu tiên là quỹ hưu trí bắt buộc do nhà nước quản lý (bảo hiểm xã hội tại Việt Nam là ví dụ). Thứ hai là quỹ hưu trí bắt buộc do tư nhân quản lý, gọi tắt là quỹ bổ sung. Quỹ hưu trí tự nguyện, trụ cột thứ ba, do người lao động và có thể người sử dụng lao động đóng góp, thuộc quyền quản lý của công ty quản lý quỹ. Tại Việt Nam, quỹ bảo hiểm xã hội của nhà nước được vận hành theo cơ chế xác định trước mức hưởng. Đại diện VCBF cho rằng, việc này dễ dẫn đến mất cân bằng trong dài hạn, khi dân số Việt Nam già hóa trong tương lai. Theo dự báo của tổng cục Thống kê, Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số vào năm 2036, khi tỉ lệ dân số trên 65 tuổi chiếm 14,17% dân số, tương đương 15,46 triệu người.
Vừa tăng về lượng, tuổi thọ được dự báo sẽ kéo dài thêm Canada nhờ tiến bộ y học trong khám, điều trị. Nghĩa là thời gian thụ hưởng lương hưu sẽ tăng – đồng nghĩa quỹ hưu bổng phải phát triển hơn nữa mới đủ khả năng chi trả.
Sản phẩm hưu trí tự nguyện, tùy theo mức độ rủi ro, đều phải tuân thủ nguyên tắc: Đầu tư vào ba loại tài sản, là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, trái phiếu chính phủ và chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán. Trong đó, tỉ trọng giá trị đầu tư trái phiếu chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% tổng giá trị tài sản quỹ. Với bảo hiểm xã hội, con số này là 85%. Hiện nay, mặt bằng lợi suất trái phiếu chính phủ chưa đến 3% cho kì hạn 10-15 năm, thấp hơn mức lạm phát mục tiêu 4% mà chính phủ đề ra. “Khi các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện chỉ phải đầu tư tối thiểu 50% tài sản vào trái phiếu chính phủ, đồng nghĩa 50% còn lại có thể phân bổ vào các loại tài sản có khả năng sinh lời cao hơn,” ông Linh cho hay. Đại diện VCBF nhấn mạnh, lợi nhuận kỳ vọng trong dài hạn của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện có thể lên đến hơn 7%/năm.
Là sản phẩm giảm bớt gánh nặng cho quỹ bảo hiểm xã hội, nhưng nhiều người chưa biết tới chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Khi được hỏi, bà Phương nói: “Đây là lần đầu tiên tôi nghe về kênh này.” Không chỉ có người lao động mà lãnh đạo doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ. “Trước đây tôi từng đi chào sản phẩm hưu trí tự nguyện cho doanh nghiệp, nhưng rất ít người trong ban quản lý hiểu,” ông Thông nhớ lại.
Là người tham gia quỹ hưu trí ở cả hai thị trường Việt Nam và Canada, ông Trần Quốc Thông nhận xét, khấu trừ thuế của quỹ hưu trí tự nguyện ở Việt Nam chưa đủ hấp dẫn để thu hút người lao động và doanh nghiệp. Tối đa mức đóng góp được miễn thuế của quỹ hưu trí tự nguyện ở Việt Nam là ba triệu đồng/tháng đối với doanh nghiệp, một triệu đồng/ tháng đối với cá nhân. Để so sánh, mức miễn thuế của quỹ hưu trí tự nguyện ở Canada ông Thông đang đóng là 18% so với thu nhập năm trước. “Con số này mới đủ đáp ứng nhu cầu của người lao động, bởi khi bạn được thăng tiến, mức miễn thuế cũng sẽ tăng theo,” ông Thông nói. Bà Ngọc Anh từ SSIAM cho rằng, “một chính sách thuế tốt sẽ tạo động lực lớn để người lao động giữ tiền trong quỹ.” “Nhiều năm sau sẽ có tác động lớn lên việc giảm gánh nặng chi trả cho quỹ bảo hiểm xã hội Việt Nam.”
Trên thực tế, các quy định pháp luật liên quan hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện còn chưa đầy đủ. “Sản phẩm mới, lại mang tính chất rất dài hạn, lên tới hàng chục năm, nên cần doanh nghiệp hiểu và đủ tin tưởng,” ông Linh từ VCBF nói. Ông cho biết thêm, nhiều người nhìn nhận đây là sản phẩm đầu tư, chứ không phải là sản phẩm tự nguyện hưu trí. “Thành ra, nhiều khi họ sẽ không cam kết theo dài hạn.”
Tỉ lệ người già phụ thuộc ở Việt Nam khoảng hơn 12%. Điều này đồng nghĩa, mỗi người nghỉ hưu sẽ nhận được phần đóng góp từ tám người lao động. Đáng chú ý, tỉ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 17% vào năm 2030, và 30% vào năm 2051, khi dân số Việt Nam tăng đạt đỉnh, theo nghiên cứu của quỹ dân số thuộc Liên hợp quốc (UNFPA). Nếu không cải cách theo hướng đa tầng, chi trả cho người nghỉ hưu trở thành gánh nặng với quỹ bảo hiểm xã hội khi ba người lao động “gánh” một người nghỉ hưu.
Luật Bảo hiểm Xã hội đang được sửa đổi và dự kiến trình quốc hội vào kỳ họp tới. Trong đó, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dự kiến tăng thêm năm nhóm, để tăng số lượng đóng góp cho quỹ. Đồng thời, bổ sung thêm quyền lợi khi tham gia chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ông Linh thông tin, VCBF vừa chủ động làm việc với các cơ quan chức năng liên quan, vừa phối hợp với các cơ quan quản lý quỹ khác và thông qua các hiệp hội ngành nghề để cung cấp thông tin về các thông lệ thị trường. Bà Ngọc Anh cũng tin rằng, thời gian tới sẽ có càng nhiều doanh nghiệp và người lao động quan tâm đến loại hình tích lũy này. “Có thể tôi sẽ tìm hiểu thêm về quỹ này, biết đâu khi nghỉ hưu lại không cần làm thêm những việc bán thời gian khác,” bà Hoài Phương chia sẻ.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 5.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam