,

Nửa cuối 2024: Đi tìm chiến mã

|

Đánh giá triển vọng đầu tư nửa cuối năm 2024, theo nhận định chung từ bốn chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được dự báo sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhờ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và mức định giá hợp lý. Họ cũng đưa ra khuyến nghị một số lĩnh vực đầu tư, phân bổ tài sản hợp lý và cẩn trọng trong việc đánh giá rủi ro.

Lee JoonSang, giám đốc khối đầu tư, công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam

● Bức tranh lớn

Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục xu hướng phục hồi nửa cuối năm, với sự tăng trưởng tích cực trong xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp. Động thái tiếp tục nới lỏng các chính sách tài khóa như kéo dài việc giảm thuế giá trị gia tăng, tăng lương tối thiểu, miễn thị thực thu hút khách du lịch quốc tế… đang phát huy tác dụng, thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Đầu tư công và các luật mới có hiệu lực từ 1.8.2024 như luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở, được kỳ vọng mang lại những thay đổi tích cực cho các lĩnh vực liên quan. Rủi ro về lãi suất và tỉ giá trong sáu tháng cuối năm sẽ giảm bớt. Thị trường vàng cũng được nhà nước bình ổn trở lại. Tất cả những yếu tố trên sẽ có tác động tích cực đến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm. Khi các quy định pháp luật về bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thẩm thấu vào hoạt động kinh doanh và đầu tư, hai nhóm tài sản này sẽ phục hồi rõ nét hơn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn hai kênh kể trên trong năm sau để đa dạng hóa danh mục. Sau khi giá vàng trong nước được nhà nước bình ổn và chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức thấp, nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thận trọng có thể cân nhắc nắm giữ vàng như một tài sản phòng thủ có tỉ trọng vừa phải trong danh mục, để phòng bị trường hợp bất ổn địa kinh tế và chu kỳ giảm lãi suất các ngân hàng trung ương trên thế giới.

● Điểm sáng đầu tư

Một số ngành tôi cho rằng sẽ hưởng lợi từ những thay đổi chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại toàn cầu: Công nghệ viễn thông, cảng biển và logistics, bất động sản khu công nghiệp và xây dựng.

Với công nghệ viễn thông, Việt Nam nổi lên như một điểm đến trong chuỗi sản xuất bán dẫn, khi có nhiều công ty lớn trên thế giới trong ngành đã có mặt, như Intel, Samsung, Hana Micron Vina, Amkor, Infineon Technologies AG, SI Flex, Synergie Cad… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận các sản phẩm từ chip thế hệ mới, như bộ xử lý GPU của công ty Nvidia để phát triển các dịch vụ như trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây… có giá trị gia tăng cao hơn.

Cảng biển và logistics là nhóm ngành hưởng lợi khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài từ năm 2018. Xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ tăng từ dưới 2% năm 2018 lên 4% năm 2023. Ngoài ra, việc liên tiếp nâng cấp mối quan hệ với các nước đối tác thương mại như Mỹ, Nhật Bản và Úc giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Lượng container qua cảng biển Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2024 tăng trưởng 25% so với cùng kỳ – mức tăng trưởng cao trong nhiều năm trở lại đây, cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ của ngành này.

Với bất động sản khu công nghiệp và xây dựng, chiến lược “Trung Quốc + 1” đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam gia tăng trong những năm qua. Từ đó, các công ty có quỹ đất khu công nghiệp lớn có thể thu hút các doanh nghiệp FDI này. Bên cạnh đó, các công ty xây dựng có năng lực, kinh nghiệm thi công các công trình quốc tế thế hệ mới, tích hợp các tiêu chuẩn cao về ESG cũng sẽ có nhiều cơ hội tiếp nhận những hợp đồng có giá trị lớn trong làn sóng đầu tư FDI giai đoạn hiện nay.

● Khuyến nghị

Trong đầu tư, việc thiết lập mục tiêu đầu tư, phương pháp đầu tư, và quản trị rủi ro là ba bước cần thiết để nhà đầu tư có thể gia tăng tài sản và ứng phó với những biến động của thị trường.

James Cheo, giám đốc đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, HSBC Global Private Banking and Wealth

● Bức tranh lớn

Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực trong nửa còn lại của năm 2024, nhờ sự phục hồi của ngành điện tử toàn cầu. Chỉ số quản trị mua hàng cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng và xuất khẩu điện tử đang phát triển mạnh. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư. Lạm phát vẫn ổn định và dao động quanh mức 4,5% – mục tiêu Quốc hội đề ra.

Đối với thị trường chứng khoán, Việt Nam là một trong những thị trường hoạt động tích cực tại châu Á xét từ đầu năm đến nay, với mức định giá cổ phiếu không quá cao và lợi nhuận doanh nghiệp tương đối ổn định. Nếu doanh nghiệp trên sàn vẫn giữ mức lợi nhuận tích cực, xu hướng tăng của thị trường có thể được duy trì.

● Điểm sáng đầu tư

Tiêu dùng là lĩnh vực cần quan tâm do Việt Nam có lợi thế về nhân khẩu học, dân số hơn 100 triệu dân, 70% cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động. Tôi cho rằng điều này sẽ tạo động lực cho sự phát triển của tầng lớp trung lưu trong những năm tới. Việc áp dụng nhanh chóng nền kinh tế kỹ thuật số sẽ nâng cao sự tiện lợi của người dùng, thúc đẩy chi tiêu.

Ngoài ra, sản xuất cũng là một lĩnh vực đáng chú ý khi Việt Nam có lợi thế chiến lược về lao động và cơ sở hạ tầng. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, những doanh nghiệp thuộc các ngành trên sẽ hoạt động tốt trong những năm tới.

● Khuyến nghị

Trong thị trường đầy biến động hiện nay, nhà đầu tư nên chọn lọc, tập trung vào các doanh nghiệp có chất lượng phù hợp với cơ cấu tăng trưởng của Việt Nam. Doanh nghiệp cần có mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực, duy trì bảng cân đối kế toán lành mạnh, với mức nợ có thể kiểm soát được.

Dương Kim Anh, Giám đốc đầu tư công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank

● Bức tranh lớn

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng tốc nhờ sự phục hồi của ngành sản xuất và dịch vụ. Động lực tăng trưởng chính của ngành sản xuất là sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu, với giá trị xuất khẩu hàng hóa lũy kế từ đầu năm đến nay tăng 14,9%. Đối với ngành dịch vụ, tăng trưởng tiếp tục được dẫn dắt bởi hoạt động du lịch. Lạm phát có xu hướng tăng, song nếu nhìn vào sự thay đổi giữa các tháng thì sự gia tăng của lạm phát chủ yếu do nền thấp của năm ngoái. Tôi cho rằng, nếu không có những sự kiện “thiên nga đen thì lạm phát sẽ giảm dần trong các tháng tới.

Tỉ giá đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các thị trường mới nổi khác. Từ đầu năm 2024 đến nay, tiền đồng đã mất giá hơn 4% so với đô la Mỹ, trong đó riêng tháng Tư mất giá gần 2%. Tuy nhiên, nhìn vào cán cân thanh toán tổng thể, dòng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn dồi dào, cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung ngoại tệ trong nước chủ yếu do hoạt động găm giữ để phục vụ đầu cơ. Theo tôi, áp lực tỉ giá sẽ hạ nhiệt trong các tháng tới, khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất và thị trường vàng ổn định hơn.

● Điểm sáng đầu tư

Với mặt bằng lãi suất tiết kiệm duy trì ở mức thấp và thị trường bất động sản phục hồi chậm, dòng tiền của người dân đã chuyển vào cổ phiếu và vàng. Sau năm tháng đầu năm, chỉ số VN- Index tăng 11,7% với thanh khoản dao động quanh mức 19-20 ngàn tỉ đồng/ ngày, tăng gấp rưỡi so với thanh khoản trung bình của năm 2023. Thị trường vàng trong nước sôi động, theo cùng đà tăng của giá vàng thế giới do đây được xem là kênh trú ẩn trước những biến động vĩ mô toàn cầu.

Tuy nhiên, khác với quan niệm truyền thống, vàng không hẳn là kênh đầu tư an toàn. Lịch sử giá vàng cho thấy mức độ biến động rất cao, từ đó gây rủi ro thua lỗ lớn, đặc biệt với những người mua nhằm mục đích lướt sóng ngắn hạn. Cụ thể, trong quá khứ, giá vàng tăng mạnh từ 834 đô la Mỹ/ounce vào đầu năm 2008 lên đến 1.900 đô la vào đầu tháng 9.2011, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính thế giới nổ ra. Tuy nhiên, giá vàng sau đó đi ngang và bước vào chu kỳ suy giảm từ cuối năm 2012 đến hết quý II/2019. Nhà đầu tư mua vàng vào đỉnh 2011- 2012 có thể chịu lỗ, hoặc phải chờ gần bảy năm mới hoàn vốn.

Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng trong nước cũng rất cao, dao động quanh hai triệu đồng/lượng. Đồng nghĩa người mua vàng đã ngay lập tức bị lỗ tại thời điểm mua vào. Đó là chưa kể khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới có thể sẽ tiếp tục được thu hẹp trong thời gian tới, từ đó tạo sức ép giảm giá vàng nội địa.

Cần nhớ, giá vàng trong nước không phải lúc nào cũng cao hơn giá thế giới. Năm 2019, giá vàng trong nước có thời điểm thấp hơn giá thế giới đến một triệu đồng/lượng. Tôi cho rằng, so với vàng, kênh đầu tư cổ phiếu có ưu thế hơn khi xét đến chi phí giao dịch, mức độ an toàn và tính thuận tiện khi mua, bán. VN-Index đã tăng gần 13 lần kể từ phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28.7.2000.

● Khuyến nghị

Kinh tế vĩ mô hay thị trường luôn có yếu tố tích cực và tiêu cực, nên lời khuyên của tôi dành cho nhà đầu tư: Phân bổ tài sản hợp lý và không bỏ hết trứng vào một giỏ. Mỗi cá nhân đều nên có một kế hoạch tài chính cho mình, để từ đó xác định nên phân bổ tài sản sao cho phù hợp, cân đối giữa các tài sản an toàn và tài sản cho lợi tức cao hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao hơn.

Nguyễn Hoài Thu, tổng giám đốc khối Đầu tư Chứng khoán VinaCapital

● Bức tranh lớn

Nền kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi nhờ hai lĩnh vực chính: Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp. Sự phục hồi của hai nhóm này sẽ tác động tích cực đến thu nhập người dân, tạo đà cho tiêu dùng trong nước. Tôi cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế cũng dần lan toả tích cực đến tâm lý trên thị trường chứng khoán.

● Điểm sáng đầu tư

Trong số các quy định pháp lý mới, luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ đầu tháng Tám năm nay được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi quan trọng và đáng quan tâm. Luật này được kỳ vọng giúp nguồn cung bất động sản được cải thiện. Việc định giá đất tiệm cận với mặt bằng giá chung của thị trường sẽ giúp việc giải phóng mặt bằng và tính tiền sử dụng đất được nhanh hơn. Đồng thời, giá đền bù tăng lên cũng sẽ được bù đắp bớt nhờ doanh nghiệp bất động sản tiết kiệm được chi phí vốn kéo dài bởi tiến độ các dự án được tăng tốc.

Khi nền kinh tế phục hồi, một trong những ngành ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực là ngân hàng, do tín dụng tăng và nợ xấu giảm. Song, kết quả này sẽ có sự phân hoá, tuỳ vào từng đơn vị.

Theo tôi, những doanh nghiệp gắn liền với các động lực phát triển kinh tế dài hạn của Việt Nam như xu hướng đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế số sẽ có triển vọng tốt về tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận bền vững.

● Khuyến nghị

Nhà đầu tư cần giữ tâm lý bình tĩnh khi tham gia thị trường, phân tích thấu đáo mọi thông tin, hiểu rõ doanh nghiệp mà mình mua, đầu tư với tầm nhìn dài hạn và dựa trên giá trị căn bản của doanh nghiệp.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 7.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam