Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có cơ hội đón nhận vốn quốc tế từ năm đến sáu tỉ đô la Mỹ khi được công nhận là thị trường mới nổi.
Hơn sáu năm trôi qua kể từ khi Việt Nam lần đầu tiên được FTSE đưa vào danh sách theo dõi tháng 9.2018, và trong khoảng thời gian ấy, thị trường chứng khoán Việt Nam có những bước tiến đáng kể. Chỉ số VN-Index đạt hơn 1.266 điểm vào ngày 31.12.2024, tăng hơn 28% trong giai đoạn từ 1.9.2018 đến 31.12.2024. Được hậu thuẫn nhờ nền kinh tế phát triển ổn định, nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam vượt qua Philippines xét về quy mô. Vậy điều gì thực sự cản trở quá trình nâng hạng này?
Trong tiêu chí không yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, Việt Nam ban hành thông tư số 68, cho phép các nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài thực hiện giao dịch mà không cần ký quỹ trước. Bà Tạ Thanh Bình, tổng giám đốc tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, cho biết: “Trong tháng đầu tiên áp dụng, hơn 300 tài khoản của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký sử dụng cơ chế này.” Theo bà Bình, chỉ trong hơn một tháng, số lượng giao dịch thực hiện đã chiếm gần 5% tổng giao dịch mua, với tổng giá trị lên tới 11% giá trị giao dịch mua. “Đây là một con số rất hứa hẹn trong tháng đầu tiên áp dụng,” bà Bình nhận định.
Tiêu chí cuối cùng là quản lý giao dịch thất bại. Bà Wanming Du đặt câu hỏi: “Khi một giao dịch thất bại, thị trường sẽ xử lý như thế nào?” Hiện tại, Việt Nam chưa gặp vấn đề này vì tất cả giao dịch đều yêu cầu ký quỹ trước. Đây là lúc cơ sở hạ tầng thị trường, đặc biệt là cơ chế bù trừ trung tâm (CCP), sẽ đóng vai trò quan trọng. Theo bà Tạ Thanh Bình, luật sửa đổi về thị trường chứng khoán có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 và VSDC sẽ thành lập công ty con để triển khai CCP. “Chúng tôi hy vọng cơ chế này sẽ là giải pháp hoàn thiện tiêu chí cuối cùng để đưa Việt Nam thành thị trường mới nổi,” bà Bình cho biết. Hai yếu tố này sẽ được đánh giá trong sáu đến chín tháng tới, từ đó xem xét trải nghiệm của nhà đầu tư quốc tế khi giao dịch không cần ký quỹ và cách thị trường xử lý giao dịch thất bại.
“Khi được hỏi có tự tin về cơ hội nâng hạng của thị trường Việt Nam hay không, chúng tôi, với vai trò là nhà cung cấp chỉ số, thu thập phản hồi từ người dùng cuối và các thành viên trong thị trường. Nếu họ tự tin, chúng tôi cũng sẽ tự tin,” bà Wanming Du chia sẻ. Sự tự tin này được khẳng định phần nào qua kết quả khảo sát từ 108 lãnh đạo cấp cao và quản lý trong lĩnh vực kinh tế và tài chính. Cụ thể, nâng hạng lên thị trường mới nổi được xem là yếu tố quan trọng nhất khiến cổ phiếu Việt Nam hấp dẫn hơn các thị trường khác, chiếm 48% phiếu bầu. Ngoài ra, các yếu tố khác như dòng vốn FDI (26%) và tăng trưởng doanh thu của các công ty (14%) cũng thu hút sự chú ý lớn, cho thấy nhà đầu tư rất quan tâm đến sự phát triển bền vững và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam. Định giá được đánh giá là yếu tố ít tác động hơn đến quyết định đầu tư khi 12% lựa chọn.
Năm 2024, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng khoảng 12,11%, dù khối ngoại liên tục bán ròng lên tới hơn 3,7 tỉ đô la Mỹ. Nguyên nhân một phần là sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài còn khá khiêm tốn, chiếm khoảng 11% tổng giá trị giao dịch, thấp hơn nhiều so với mức 35-50% tại các thị trường khu vực Đông Nam Á, theo Bloomberg Intelligence. “Khi Việt Nam được nâng hạng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài – khách hàng của chúng tôi khẳng định chắc chắn sẽ tăng cường đầu tư,” bà Hoàng Thị Hoa, giám đốc nghiệp vụ cấp cao tại Dragon Capital, nói. Theo bà Wanming Du, Việt Nam hiện chiếm khoảng 0,3% trong chỉ số FTSE Emerging All-Cap Index. “Con số này có thể gia tăng đáng kể nếu thị trường được nâng hạng,” bà nói.
Việc đạt được cột mốc nâng hạng không phải là điểm dừng cuối cùng. Trong một số trường hợp, thị trường thậm chí có thể bị loại khỏi danh sách sau khi được nâng hạng, như Pakistan. Giải thích về điều này, bà Wanming Du chia sẻ rằng khi đánh giá một thị trường, “chúng tôi xét đến nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng kinh tế, chất lượng của thị trường và các tiêu chí tối thiểu như quy mô vốn hóa thị trường và số lượng công ty đủ điều kiện.” Theo bà, Pakistan bị loại khỏi danh sách thị trường mới nổi không phải vì cơ sở hạ tầng thị trường yếu kém, mà “do thị trường chưa đạt quy mô.” Trong những năm qua, FTSE đã nâng hạng hoặc tái phân loại năm thị trường thành thị trường mới nổi, đảm bảo các thị trường phải có đủ quy mô và tính ổn định để duy trì vị trí này lâu dài.
“Một số thị trường sẽ cần khoảng một năm để nâng hạng, nhưng cũng có những thị trường có thể hoàn thành trong thời gian ngắn hơn, như Iceland chỉ mất sáu tháng.” Theo đại diện FTSE, các thị trường nâng hạng thường phải trải qua quá trình chuyển giao để đảm bảo không có xáo trộn lớn trong hệ thống tài chính, cũng như duy trì ổn định thị trường. “Khi Việt Nam vượt qua hai tiêu chí còn lại, chính thức trở thành thị trường mới nổi, tôi tin rằng sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế sẽ thúc đẩy thị trường phát triển lên một tầm cao mới,” bà Wanming Du nói.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 1.2025, Bloomberg Businessweek Vietnam