Nguồn nhân lực mới

|

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để thu hút các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn. Các ngành nghề mới cần có nguồn nhân lực mới.

“Tôi ước gì đám trẻ con nhà mình cũng chào đón tôi như vậy mỗi khi trở về nhà,” ông Jose W. Fernandez, thứ trưởng phụ trách Kinh tế, Năng lượng và Môi trường của Hoa Kỳ nói với hàng trăm sinh viên hào hứng đón ông tại hội trường đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam. Khán phòng chật cứng những gương mặt trẻ tuổi phần nào khiến không khí nóng lên trong buổi sáng lạnh cóng đầu năm nay. Giữa lịch trình dày đặc các hoạt động trong chuyến thăm bốn ngày, ông vẫn dành một buổi sáng để gặp, chia sẻ với sinh viên về bước tiếp theo trong chiến lược hợp tác giáo dục song phương Việt Nam – Hoa Kỳ: Tập trung vào nguồn lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực bán dẫn.

“Có rất nhiều công ty Hoa Kỳ nói với chúng tôi rằng họ không tìm được nguồn lao động có kỹ năng cao,” ông Fernandez kể. Trong bài phát biểu dài vài chục phút, người đại diện chính phủ Hoa Kỳ nhấn mạnh Việt Nam có tiềm năng trở thành “một trong những điểm đến hấp dẫn nhất” đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong ngành bán dẫn. Điều này đến từ thế mạnh kinh nghiệm trong mảng gia công, kiểm thử và đóng gói sản phẩm bán dẫn qua quá trình hợp tác với Hoa Kỳ. Yếu tố thứ hai, theo vị thứ trưởng, là khả năng cung ứng nguồn lao động dồi dào và có tay nghề cao sẽ giúp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong ngành này. Điều các công ty cần tìm hiểu đầu tiên là cách đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin.

“Chúng tôi hợp tác với bảy quốc gia trong dự án đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực thiết kế chip. Việt Nam là một trong số đó,” ông trả lời Bloomberg Businessweek Việt Nam. Ông cũng cho biết, tổ chức Hợp tác và Phát triển đang chuẩn bị báo cáo về các tiêu chuẩn cần thiết nhằm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng trong ngành bán dẫn. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để dự án đào tạo mang lại kết quả như mong đợi. Mục tiêu trong tương lai gần được Hoa Kỳ cam kết, theo vị thứ trưởng, là 50 ngàn kỹ sư bán dẫn cho Việt Nam. “Tôi tin rằng sự hợp tác này không chỉ giúp cho các công ty từ Hoa Kỳ, mà còn giúp Việt Nam,” thứ trưởng nói.

Đây không phải lần đầu Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo. Ở bậc giáo dục đại học, thông tin do cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trên trang web cho thấy, có năm chương trình, dự án dài hạn trong giai đoạn 2015-2026 với ngân sách ước tính khoảng gần 70 triệu đô la Mỹ. Trong đó có dự án Thúc đẩy Hợp tác trường đại học – doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT); dự án Đổi mới Giáo dục đại học với ba đại học đối tác lớn tại Việt Nam, chương trình giáo dục môi trường có mục tiêu thúc đẩy giáo dục và hành động về biến đổi khí hậu tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Nổi bật nhất là BUILD IT, dự án hợp tác giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp để hiện đại hoá các chương trình giáo dục đại học về công nghệ và kỹ thuật, mang lại cơ hội học tập cho hàng ngàn sinh viên khối ngành khoa học, kỹ thuật, giúp giảng viên thay đổi phương pháp giảng dạy, và hơn 100 chương trình giáo dục được chứng nhận bởi ABET – tổ chức kiểm định hàng đầu quốc tế về kỹ thuật và công nghệ.

Dẫn thông tin Việt Nam đứng thứ năm trong số các quốc gia có sinh viên tới Mỹ du học, vị thứ trưởng đề cập nỗ lực của chính phủ hai bên để gia tăng hợp tác cũng như tăng thêm các cơ hội để sinh viên Việt Nam được đào tạo ở những cơ sở giáo dục, học viện tại Hoa Kỳ, “một trong những điểm quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ.”

Giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng được cả hai chính phủ giành nhiều sự quan tâm kể từ sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hoá quan hệ cách đây 29 năm. Chương trình học bổng Fulbright khởi động từ năm 1992 đã trao cơ hội cho hàng trăm người Việt Nam được sang Hoa Kỳ học tập ở nhiều lĩnh vực. Tương tự, quỹ Giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Fund) do quốc hội Hoa Kỳ thành lập năm 2000 đã trao hơn 500 học bổng cho các nhà khoa học, công nghệ trẻ của Việt Nam sang nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Năm 2016, trường đại học Fulbright Việt Nam được thành lập. Đây là trường đại học phi lợi nhuận theo mô hình Hoa Kỳ đầu tiên của Việt Nam, theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chỉ vài tháng sau khi hai quốc gia nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục và đào tạo với bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tháng Mười một năm ngoái. Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho biết, thoả thuận sẽ đẩy mạnh hợp tác giáo dục STEM, đào tạo và hợp tác nghiên cứu khoa học trong các ngành công nghệ và lĩnh vực bán dẫn, vi mạch, bên cạnh thực hiện các hình thức hợp tác khác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo mà hai bên hướng tới.

Điều này cũng có trong thông điệp ông Jose nhắc tới trong buổi nói chuyện với các sinh viên: Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và các ngành nghề mới sẽ đòi hỏi một lực lượng lớn nguồn nhân lực “mới”. “Tôi rất mong có thể quay lại đây sau mười hay mười lăm năm nữa, khi tóc đã bạc hay phải chống gậy, để được nhìn thấy những gì các bạn đã làm được, một tương lai của Việt Nam đầy triển vọng, nơi Hoa Kỳ cũng là một phần trong đó,” thứ trưởng Fernandez nói.

*Bài được xuất bản trong số báo tháng 3.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam