Sau giai đoạn chạy nước rút để tận dụng cơ hội nhận được giá ưu đãi cho các dự án năng lượng tái tạo, thị trường chứng kiến một sự thay đổi rõ rệt: Một số đơn vị muốn rời khỏi cuộc chơi, và cũng có nhiều người mới xuất hiện.
Tháng 6.2024, Sembcorp Solar Vietnam thông báo hoàn tất mua lại phần lớn vốn góp tại ba công ty con thuộc tập đoàn Gelex trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Sau giao dịch này, công ty con của Sembcorp – tập đoàn Singapore do Temasek Holdings nắm giữ 49% vốn sở hữu – bổ sung196 MW công suất từ các dự án điện mặt trời và gió đang hoạt động vào danh mục đầu tư. Sembcorp không phải là doanh nghiệp nước ngoài duy nhất tham gia mua lại các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Acen, công ty thuộc tập đoàn Ayala của tỉ phú người Philippines Jaime Zobel de Ayala, hoàn tất mua lại mảng kinh doanh năng lượng mặt trời của Super Energy, doanh nghiệp Thái Lan có nhiều dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, với giá trị ước tính 165 triệu đô la Mỹ.
Những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) từ các tập đoàn lớn trong khu vực phần nào cho thấy thị trường năng lượng đang trở lại sau giai đoạn phát triển “nóng” 2019-2021. Theo dữ liệu từ Bloomberg, thị trường năng lượng tái tạo ghi nhận 13 thương vụ M&A giai đoạn 2016-2018. Con số này tăng gấp đôi trong ba năm tiếp theo. Riêng năm 2021 – thời điểm chính sách giá mua điện ưu đãi (giá FIT) kết thúc, có tới 15 thương vụ M&A mảng năng lượng diễn ra. Tuy nhiên, số lượng và quy mô các dự án phát triển mới lại sụt giảm, đặt ra câu hỏi quan trọng: Phải chăng thị trường năng lượng tái tạo không còn hấp dẫn như trước?
Nếu xét về nhu cầu tiêu thụ, thị trường năng lượng tái tạo của một quốc gia trong quá trình công nghiệp hoá như Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Trong giai đoạn 2018-2030, mỗi năm Việt Nam cần lắp đặt thêm 5 GW công suất mới, theo ước tính của ngân hàng Thế giới (World Bank) để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Dự kiến tới năm 2030, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 150.489 GW, với tổng vốn đầu tư 134,7 tỉ đô la Mỹ cho giai đoạn 2021-2030, theo quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới 2050 (Quy hoạch Điện VIII). Trong đó, công suất huy động từ điện gió là 27.880MW, chiếm khoảng 18,5%, điện mặt trời sẽ đóng góp 12.836 MW, tương đương 4,5% tổng công suất nguồn. Đây là những chất xúc tác đáng kể cho các dự án năng lượng tái tạo phát triển. Nhu cầu là vậy, song theo ông Lê Trung Nam, giám đốc EPS Investing, thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam đang chững lại, người muốn bán nhiều hơn người mua.
Hiện trạng của thị trường năng lượng tái tạo được lý giải bởi hai vấn đề chính. Đầu tiên, cơ chế giá FIT cũ chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn. Thời gian áp dụng hơn hai năm với điện mặt trời và ba năm với điện gió, khiến doanh nghiệp khó hoàn thành các thủ tục cần thiết. Báo cáo Doing Business năm 2020 từ World Bank cho thấy, chỉ riêng thời gian làm thủ tục cho một dự án tại Việt Nam mất khoảng 213 ngày – tức hơn bảy tháng. Cần lưu ý, hơn một nửa thời gian cơ chế giá FIT được áp dụng rơi vào giai đoạn 2020-2021 – thời điểm chính phủ áp dụng các quy định phòng chống dịch Covid-19, phần nào ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án.
Chưa kể, thời gian ngắn hạn áp dụng cơ chế giá vô hình tạo ra cuộc đua giữa các nhà đầu tư, mà phần lớn là doanh nghiệp trong nước, nhằm đưa dự án vào vận hành thương mại (COD) trước khi chính sách giá này hết hiệu lực. Song, không phải nhà đầu tư nào cũng có đủ năng lực về kinh nghiệm lẫn tài chính để đi cùng dự án tới hết vòng đời. Đặc thù của ngành năng lượng tái tạo, theo ông Nguyễn Hữu Quang, giám đốc mảng năng lượng sạch tại quỹ đầu tư Dragon Capital, là dự án thường sẽ có nhiều nhà đầu tư trong cả vòng đời. Mỗi nhà đầu tư tham gia vào một giai đoạn tùy vào năng lực tài chính, khẩu vị rủi ro. Tình huống nhà đầu tư tham gia vào thời điểm đầu tiên để phát triển dự án, rồi chuyển nhượng lại sau khi dự án đi vào vận hành trong ngành năng lượng tái tạo, như ông Quang mô tả là “chuyện bình thường”.
Tuy nhiên, trong hai năm qua, số lượng người bán vượt số người mua. “Năng lượng tái tạo là cuộc chơi cần rất nhiều tiền, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam phải vay ngân hàng nếu muốn đi tiếp,” ông Nam phân tích. Gần ba năm trôi qua mà câu trả lời về khung giá mới vẫn còn bỏ ngỏ, khiến doanh nghiệp không thể chờ và buộc phải sang tay dự án, bởi không “gồng lỗ” nổi.
Quan sát danh sách mười doanh nghiệp đứng đầu về số lượng và công suất dự án đang vận hành sẽ thấy ngay chân dung những nhà phát triển dự án: Các công ty có mảng kinh doanh cốt lõi là năng lượng, muốn mở rộng danh mục đầu tư. Một số cái tên quen thuộc: Công ty cổ phần Cơ Điện lạnh (REE), công ty Điện lực Gia Lai (GEG) hay tập đoàn PC1. Nhóm thứ hai cũng năng động trong cuộc chơi là doanh nghiệp đa ngành, muốn chuyển sang mảng kinh doanh khác, hoặc nhìn thấy cơ hội từ thị trường mới, như tập đoàn Trung Nam hay T&T Group. Phần lớn nhà phát triển dự án là doanh nghiệp trong nước, có lợi thế khi hiểu rõ về thị trường nội địa, quy trình liên quan tới cơ quan chính sách, và cung cách làm việc với địa phương – điều quan trọng khi triển khai dự án ở nhiều tỉnh, thành.
Tuy nhiên, năng lượng tái tạo là một cuộc chơi dài hơi, đòi hỏi người chơi không chỉ có kinh nghiệm để xin giấy phép và đăng ký, mà còn phải trang bị cả nguồn lực về tài chính, nhân sự lẫn kinh nghiệm vận hành dự án dài hạn. Đó là lúc doanh nghiệp nước ngoài xuất hiện, “bởi họ có vốn nhiều nên chấp nhận lợi nhuận khoảng 10-12%/năm, nhưng ổn định,” theo lời ông Nguyễn Hữu Quang. Thái Lan và Philippines hiện là nhà đầu tư lớn trong mảng năng lượng tái tạo, kế đó là châu Âu, nhưng chưa nhiều, theo quan sát của ông Quang.
Theo dữ liệu từ hơn 700 dự án năng lượng tái tạo ở nhiều giai đoạn (vận hành, xây dựng, có giấy phép, đã công bố) tại Việt Nam do Bloomberg tổng hợp, công suất của các dự án năng lượng tái tạo được công bố lên tới hơn 55.265 MW, gấp 3,5 lần công suất các dự án đang vận hành. Đáng chú ý, trong tốp 10 doanh nghiệp sở hữu các dự án đang vận hành có công suất lớn nhất, số lượng doanh nghiệp trong nước áp đảo. Nhưng về tương lai, bảy trong số 10 cái tên công bố các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất là nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
“Lợi thế của doanh nghiệp FDI nằm ở kinh nghiệm tích lũy được trong thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo,” ông Nguyễn Phan Đính, giám đốc quốc gia Việt Nam của EDP Renewables (EDPR), tập đoàn năng lượng có trụ sở ở Bồ Đào Nha chia sẻ. EDPR hiện điều hành các dự án có tổng công suất 1.300 MW tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó bốn dự án điện mặt trời trang trại và 10 cụm điện mặt trời áp mái tại Việt Nam có công suất 550 MW, đóng góp 40% công suất của toàn khu vực.
Chính sách giá ưu đãi ngắn hạn đã gây ra hậu quả về cả pháp lý lẫn chi phí. Để kịp thời hạn, nhà phát triển có thể phải chi nhiều hơn dự kiến, và gánh thêm cả rủi ro về pháp lý khi nhà điều hành đang kiểm tra lại hàng loạt dự án đã được vận hành thương mại. Hình dung đơn giản, có dự án đã đáp ứng được 90% quy định về pháp lý, nhưng 5-10% còn lại có thể “cày rất lâu mà không gỡ được,” ông Nam chia sẻ. Những rào cản về pháp lý và giá cả khiến các bên mua e dè. “Người ở trong thì giãy giụa, người ngoài thì đứng chờ không dám vào,” theo lời ông Nam. Trong khi chờ đợi nút thắt chính sách được gỡ, thị trường tự sàng lọc.
Mặc dù vấn đề chính sách không thể giải quyết ngay, điều này không cản trở tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là những tập đoàn có bề dày hoạt động trong ngành. Đại diện AES Việt Nam, doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam hơn 12 năm nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng của công suất nguồn lắp đặt khoảng 6.000 MW/năm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng khoảng 10-12% mỗi năm cho đến năm 2030 ở đất nước hình chữ S. “Quy hoạch Điện VIII cũng đã nhắc tới mục tiêu vận hành hơn 22.000 MW điện khí hoá lỏng (LNG) từ mức cơ sở 0 hiện nay,” đại diện AES viết vậy trong thư điện tử. Con số này gấp khoảng 3,5 lần công suất dành cho điện gió ngoài khơi, dù cùng xuất phát điểm là 0. Tương tự, ông Đính từ EDPR đánh giá cao nỗ lực của chính phủ trong nỗ lực thu hút đầu tư, điển hình là các quyết định mới về cơ chế mua bán điện trực tiếp vào tháng Bảy vừa qua.
Giám đốc quốc gia tại Việt Nam của EDPR cho biết họ đang tiếp tục xúc tiến một vài dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam, với mục tiêu góp phần nâng tổng công suất tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương lên 5.000 MW vào năm 2030. Trong khi đó, AES công bố khoản đầu tư hơn ba tỉ đô la Mỹ vào hai dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ và Nhà máy nhiệt tua bin khí chu trình hỗn hợp Sơn Mỹ 2 tại Bình Thuận, nhằm hỗ trợ Việt Nam đa dạng hoá cơ cấu năng lượng và nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của quốc gia. Thông qua liên doanh cùng Siemens mang tên Fluence, họ đang sản xuất pin tích năng (BESS) tại Việt Nam.
Triển vọng của thị trường, theo ông Nam, “đi vào nề nếp” sau giai đoạn “trăm hoa đua nở”. Từ góc nhìn của ông Đính, vị giám đốc nhận xét các doanh nghiệp sẽ đầu tư bài bản, kỷ luật hơn. Điểm chung của người mới tham gia vào cuộc chơi ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, qua hình dung của ông Đính là những cái tên đã có kinh nghiệm trong ngành ở nhiều nước, có tầm nhìn dài hạn và sẵn sàng phối hợp với các đối tác trong nước để cùng phát triển.
Về dài hạn là vậy, còn trước mắt? Hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo của Dragon Capital năm nay đang dừng, do quỹ đầu tư vào điện vì sự ổn định và rủi ro pháp lý. “Chừng nào pháp lý chưa rõ ràng, chưa khiến nhà đầu tư yên tâm thì chưa thể đầu tư,” ông Nguyễn Hữu Quang nói.
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 8.2024, Bloomberg Businessweek Vietnam