Quyết định niêm yết sàn HoSE của Masan Consumer, với vốn hoá 6,63 tỉ đô la Mỹ, hứa hẹn giải toả cơn khát về hàng hoá niêm yết có chất lượng, giá trị vốn hoá lớn.
Đầu tháng 10.2024, Masan Consumer công bố nghị quyết chuyển giao dịch cổ phiếu MCH từ sàn UPCoM sang niêm yết tại sàn HoSE. “Quyết định chiến lược này nhằm phát huy giá trị tiềm năng của Masan Consumer,” ông Michael Hưng Nguyễn, phó tổng giám đốc tập đoàn Masan chia sẻ. Theo ông Michael, điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhận được sự công nhận xứng đáng, đồng thời tạo ra sự linh hoạt tài chính và cho phép các nhà đầu tư “hiểu rõ hơn về một trong những công ty con có hiệu quả hoạt động tốt nhất của chúng tôi.”
Là “viên kim cương gia bảo của Masan,” theo cách gọi của chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, Masan Consumer có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 10% giai đoạn 2016- 2023. Lợi nhuận gộp năm 2023 đạt 12,97 ngàn tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016. Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu năm 2023 đạt 36,15%, cao hơn so với mức trung bình các doanh nghiệp thuộc sàn HoSE, thường dao động trong khoảng 15-16% theo Bloomberg. Biên lợi nhuận hoạt động của Masan Consumer đạt 23,8% năm 2023, vượt mức 11,94% của trung bình doanh nghiệp thuộc VN-Index.
“Nếu Masan Consumer chuyển sàn thành công năm 2025 sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường Việt Nam,” nhóm nghiên cứu của quỹ KIM Việt Nam trả lời Bloomberg Businessweek Việt Nam qua thư điện tử. Bên cạnh Masan Consumer, BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn) cũng đã quyết định chuyển sàn và Vinpearl đang lên kế hoạch IPO trong cùng năm 2025. “Những cổ phiếu phi tài chính với mức vốn hóa lớn như MCH của Masan Consumer, BSR và Vinpearl nếu được niêm yết sẽ góp phần làm tăng tính đa dạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn hiện đang tập trung chủ yếu vào các ngành bất động sản và ngân hàng,” đại diện quỹ KIM Việt Nam cho hay.
Bắt đầu với những sản phẩm gia vị quen thuộc, Masan Consumer đã dần dần phát triển và tham gia vào tám ngành hàng tiêu dùng chính tại Việt Nam. “Người tiêu dùng chỉ cần năm phút là mua được một sản phẩm của Masan Consumer, và xác suất để tìm thấy một sản phẩm của Masan trong góc bếp, góc phòng tắm, tủ lạnh… của gia đình Việt là 98%,” ông Trương Công Thắng, tổng giám đốc Masan Consumer nói. Mảng thực phẩm và đồ uống của công ty có hàng trăm mã sản phẩm (SKU) thuộc sáu danh mục chính, bao gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi, cà phê, nước giải khát (chủ yếu là nước tăng lực) và thịt chế biến sẵn (đã chuyển sang Masan MEATLife từ năm 2023). Các sản phẩm gia vị như nước mắm, tương ớt và nước tương duy trì thị phần vượt trội trong nhiều năm, lần lượt đạt 45%, 64% và 43%, theo báo cáo của SSI tháng 6.2024.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình này với sự hỗ trợ từ các cố vấn, đồng thời làm báo cáo ESG và các báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS. Ngoài ra, chúng tôi cũng tích cực tăng cường sự kết nối với các nhà đầu tư. Masan đang chia sẻ câu chuyện của mình và hy vọng rằng tầm nhìn về tiêu dùng của chúng tôi sẽ được hiểu và đánh giá cao,” ông Michael Hưng Nguyễn chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho việc chuyển sàn. Cụ thể, việc niêm yết cổ phiếu Masan Consumer (MCH) trên HoSE sẽ giúp công ty tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức, nhờ vào các tiêu chuẩn niêm yết và công bố thông tin cao hơn so với sàn UPCoM. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tổ chức, vốn bị hạn chế khi đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn giao dịch dưới chuẩn. Với quy mô vốn hóa 6,63 tỉ đô la Mỹ tính đến ngày 26.12.2024, Masan Consumer có thể thu hút dòng vốn từ các quỹ chủ động, nhất là các quỹ yêu thích ngành hàng tiêu dùng, cho phép họ đầu tư trực tiếp vào các sản phẩm của Masan Consumer thay vì thông qua Masan (MSN).
Ngoài ra, việc niêm yết trên HoSE cũng sẽ giúp Masan Consumer thu hút sự chú ý từ các quỹ thụ động, bao gồm các quỹ mô phỏng chỉ số VN30, nếu cổ phiếu của Masan Consumer đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản và tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Bên cạnh đó, Masan Consumer cũng có kế hoạch phát hành quyền mua cổ phiếu trong năm 2025. Theo quỹ KIM Việt Nam, với mức giá điều chỉnh sau phát hành, cổ phiếu của Masan Consumer dự kiến sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là những người có xu hướng e ngại các cổ phiếu có giá cao.
“Đương nhiên, chuyển sàn thành công không có nghĩa là mọi việc sẽ kết thúc,” ông Michael chia sẻ. “Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là quyết định mà tập đoàn đang cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đưa ra bất kỳ cam kết nào, vì tất cả đều phụ thuộc vào điều kiện thị trường.” Chưa kể, tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng của Masan Consumer chỉ đạt 7,14% tính đến ngày 26.12.2024. Đây là mức thấp so với tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng trung bình của các doanh nghiệp trên sàn HoSE là 50,8%, tính đến ngày 26.12.2024. Để đáp ứng yêu cầu niêm yết trên HoSE, doanh nghiệp cần tăng tỉ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng. Việc này có thể được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu mới hoặc bán bớt cổ phần từ Masan Consumer Holdings, nhằm giảm tỉ lệ sở hữu gián tiếp của Masan Group.
Hoạt động kinh doanh của Masan Consumer năm 2025 được giới phân tích đánh giá tích cực. Doanh thu của Masan Consumer năm 2025 ước đạt 35,5 ngàn tỉ đồng, theo ước tính đồng thuận của Bloomberg tổng hợp. Con số này ước tăng khoảng 12,3% so với năm 2024. Lợi nhuận ròng dự kiến đạt 6,57 ngàn tỉ đồng, tăng 18,5% so với năm 2024.
“Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành một nền tảng hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) toàn diện,” ông Michael cho biết. Vị phó tổng giám đốc tập đoàn Masan chia sẻ, vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong các lĩnh vực như gia vị, đồ uống hay sản phẩm chăm sóc cá nhân. “Nguồn cảm hứng khác đối với chúng tôi là làm sao đưa văn hóa ẩm thực Việt Nam ra thế giới,” ông Michael Hưng Nguyễn nói. “Là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành thực phẩm Việt, chúng tôi mong muốn trở thành đại sứ của ẩm thực Việt Nam.”
*Bài được xuất bản trong số báo tháng 1.2025, Bloomberg Businessweek Vietnam